- Dạo
đó, tôi đang học năm thứ hai đại học. Thấy các bạn trong lớp phần lớn đều có đôi
có lứa, tôi cứ thấy sốt ruột. Chợt nhớ ra trên báo Phụ nữ Thủ đô có mục “Tìm bạn
trăm năm”, tôi vội đến đăng ký. Sau hai tháng, yêu cầu của tôi cũng được đăng
trên báo, với mã số A688.
Những
lá thư tới tấp gửi đến. Những cuộc hẹn hò, gặp gỡ. Nhưng làm sao, tôi có thể yên
tâm với một anh “chỉ thích ăn nhà hàng” và “uống rượu Tây”. Có anh vừa gặp đã
đòi kiểm tra trình độ tiếng Anh vì “tiếng Anh là phương tiện kiếm tiền”. Có anh
thì thản nhiên “Anh rất thoáng trong việc tìm vợ, và anh nghĩ, chỉ cần làm đám
cưới thật to, chứ không cần đăng ký kết hôn, như thế đỡ phải ràng buộc…”.
Tôi ngán ngẩm, gặp gần hai mươi
anh mà chẳng thể nào ưng nổi một anh. Cũng biết mình không phải là “sắc nước,
hương trời”, cũng chẳng phải siêu nhân gì, nhưng… Đang tuyệt vọng thì tôi nhận
được thư của anh. Một lá thư ngắn gọn với những nét chữ nắn nót, rõ ràng. “Thôi
thì thử gặp nốt lần này xem sao!?”. Tôi nghĩ vậy và gọi điện hẹn gặp anh vào
chiều thứ ba.
Đó
là một ngày trời mưa tầm tã. Đúng giờ hẹn, anh có mặt trước cửa nhà tôi. “Anh
vào nhà được chứ? Anh xin phép đi… cả giầy… vào nhé!” – anh ngập ngừng hỏi tôi.
“Dạ vâng, em mời anh… vào nhà ạ!” – tôi cũng ngập ngừng và pha chút băn khoăn
“Sao anh lại không cởi giầy và đi tập tễnh nhỉ!”.
Những câu chuyện không đầu, không
cuối. Những ánh mắt bối rối. Những nụ cười thẹn thùng. Nhưng xem ra, cách nói
chuyện của anh khá cuốn hút. Ngồi khoảng gần hai tiếng, anh xin phép đứng dậy ra
về và hẹn tôi sáng thứ sáu sẽ đến đón tôi đi uống cà phê.
|
Nụ cười hạnh phúc của anh và tôi
|
Từ lúc gặp anh, rồi lúc tiễn anh
về, rồi cả ngày thứ tư tôi cứ bị ám ảnh về đôi chân tập tễnh của anh. Sáng thứ
năm, tôi quyết định sẽ không gặp lại anh nữa và ra quầy điện thoại công cộng để
điện thoại cho anh (khi đó, nhà tôi chưa lắp điện thoại bàn, điện thoại di động
thì lại càng hiếm). Nhưng gọi suốt sáng, suốt chiều, suốt tối mà điện thoại nhà
anh luôn báo bận. Tôi đành gặp anh.
Trèo lên xe máy, tôi ngồi yên
không nói gì. Đi được một đoạn, anh hỏi: “Em có thích âm nhạc không?”. “Dạ, có
ạ!”. “Vậy anh mời em về nhà anh nhé! Anh sẽ chơi piano để em nghe!”.
Những bản nhạc của Chopin, Mozart
, Beethoven được anh lần lượt chơi. Tôi say sưa ngồi nhìn anh lướt phím. Phút
chốc tôi quên hết mọi phiền muộn, băn khoăn. Chợt tiếng đàn dứt, tôi lại trở về
với thực tại. Dường như đọc được suy nghĩ của tôi, anh lại gần:
- Có phải em băn khoăn tại sao
anh đi giầy vào nhà em không? Có phải em đã nhìn thấy anh đi tập tễnh đúng không?- Dạ…Rồi anh kể tôi nghe. Anh bị thoát
vị màng não tủy từ nhỏ. Cũng may là phát hiện và điều trị bệnh kịp thời nên anh
không bị liệt, nhưng từ đầu gối xuống bàn chân đã bị teo, hai bàn chân cũng bị
méo mó, vẹo vọ, nên anh phải đi giầy chỉnh hình. Nếu không có giầy, việc đi lại
của anh không thể thực hiện được. Anh đã trải qua năm cuộc phẫu thuật, nằm viện
hàng năm trời, nhưng anh vẫn miệt mài học hành và học hai bằng đại học, đi dạy
thêm ngoại ngữ, học piano…
- Liệu em có dám nhận lời là
vợ anh không? – Anh cầm tay tôi hỏi nhỏ.- Dạ, thực sự là em…Tuy mới chỉ gặp anh hai lần,
nhưng tôi đã cảm thấy rất quý anh, cảm phục anh, ngưỡng mộ anh, song có lẽ là
quá sớm để tôi nói lời “đồng ý”.
Sau hôm đó, rất đều đặn, cứ đến
chiều thứ bảy, anh lại đợi tôi trước cổng trường, đưa tôi về nhà, kèm cho tôi
môn ngoại ngữ. Không rõ tôi đã yêu anh từ bao giờ? Chỉ biết rằng, tôi thấy vui
khi được trò chuyện với anh, thấy háo hức mỗi chiều thứ bảy, thấy hồi hộp khi
chuông điện thoại reo, thấy buồn khi anh bảo “Anh xin lỗi, hôm nay anh không qua
thăm em được!”. Có vui buồn gì, tôi cũng kể anh nghe, có kế hoạch, dự định gì
tôi cũng luôn hỏi ý kiến anh. Tôi thích sự vui vẻ của anh, nhớ sự ân cần của anh,
ngưỡng mộ sự ham học hỏi của anh biết nhường nào!
|
Anh đã viết lá thư này sau khi nghe tôi nói “Em đã có người khác”
|
Quen anh được nửa năm thì bố mẹ
anh sang gặp bố mẹ tôi thưa chuyện. Đến lúc đó, bố mẹ tôi mới thực sự tin rằng,
anh là “người yêu” của tôi, vì từ trước đến giờ, bố mẹ cứ ngỡ anh là gia sư của
tôi. Tôi cũng bắt đầu cảm nhận được sự lo lắng của bố mẹ. Tôi biết, bố mẹ tôi
rất quý anh nhưng chỉ muốn chúng tôi dừng lại ở mức bạn bè, còn “đi xa hơn” thì
bố mẹ không hề muốn.
Không người thân nào ủng hộ tôi
trừ bà ngoại tôi. Không một người bạn nào là không khuyên tôi nên “từ bỏ”. Người
ác khẩu thì bảo tôi “hám tiền”, “thần kinh”, “khùng”, người thân quen thì phân
tích thiệt hơn: nào sợ anh không sinh được con, nào sợ con sinh ra sẽ bị dị tật,
nào tôi sẽ vất vả vì sức khỏe anh yếu không thể bưng, bê, mang, vác được gì, nào
là “lúc nào cũng đi giầy thế thì bất tiện lắm”. Bố mẹ tôi không nói lời “cấm
đoán” nhưng lúc nào cũng ủ rũ, buồn bã.
Tôi tốt nghiệp đại học và đi làm.
Còn bố tôi, có lẽ vì suy nghĩ nhiều, lại mất ngủ triền miên nên bố tôi đổ bệnh.
Nhìn bố gầy rộc, hốc hác, xanh xao mà tôi thấy xót xa vô cùng. Tôi quyết định sẽ
xin vào Vũng Tàu công tác. Một tháng trước khi chuyển vào Vũng Tàu, tôi gọi điện
cho anh, báo là tôi đi công tác Vũng Tàu gấp, nhưng thực chất là tôi vẫn ở Hà
Nội.
Một tuần…
Hai tuần…
Ba tuần…
Những ngày đó sao nặng nề đến vậy!
Biết bao lần tôi run rẩy khi nghe tiếng xe máy chạy qua nhà, hay tiếng chuông
điện thoại reo. Biết bao lần tôi nhấc máy lên, bấm số, rồi lại dập ngay lập tức.
Một vài lần anh gọi điện đến nhà tôi nhưng tôi dặn bố mẹ nói là chưa có tin tức
gì của tôi.
Chỉ còn một ngày nữa tôi sẽ xa Hà
Nội, xa tất cả mọi người. Tôi bỗng thấy nhớ anh da diết. Tôi gọi điện cho anh.
Vừa nghe giọng tôi, anh reo lên vui mừng:
- Ôi em, sao bây giờ em mới
gọi điện cho anh, em ra Hà Nội lâu chưa? Anh nhớ em quá!- Em… em có chuyện cần nói. Em
đã có… người khác rồi. Anh đừng đến gặp em nữa! – Tôi cố tỏ ra lạnh lùng.- Không, anh không tin.Anh đến gặp tôi. Nhìn anh phờ
phạc, buồn bã mà tôi thương anh vô cùng.
|
Chiếc bánh hạnh phúc mừng 10 năm ngày cưới của anh và tôi
|
Đưa tôi một lá thư dày đặc chữ,
anh bảo:
- Em có thể đọc lá thư này của
anh không? Anh vẫn tin những lời em nói lúc chiều không phải là sự thật.
- Đó là sự thật anh ạ, anh
đừng bắt em đọc thư có được không anh?- Vậy em hãy nhìn thẳng vào
mắt anh mà nói “Em không yêu anh! Em đã có người khác”.- Em…em… không thể xa anh được.
– Tôi run run, bật khóc và gục vào vai anh nức nở.Cuối năm đó, chúng tôi tổ chức
đám cưới. Dẫu anh vẫn phải đi giầy chỉnh hình, dẫu đôi chân anh vẫn bước đi
những bước tập tễnh và bị đau mỗi khi trái gió trở trời, nhưng tình yêu của
chúng tôi dành cho nhau ngày càng mặn nồng, mãnh liệt. Thỉnh thoảng, anh lại đùa
“Ngày đó, anh mà không quyết tâm thì giờ này A688 đang ở trong vòng tay người
khác rồi cũng nên”. Anh à, em mãi là A688 của anh! Hãy tin điều đó, anh nhé!