Biểu diễn ảo thuật đường phố, nhặt “banh nỉ” cho Tây, đá bóng thuê ở các sân cỏ nhân tạo hay thách đấu cờ ở các tụ điểm công cộng… là các ngón nghề mà một số bạn sinh viên thực hiện để mưu sinh.
Bên cạnh những nghề quen thuộc nhiều bạn vẫn làm, sinh viên giờ đây đã tự tìm tòi và sáng tạo cho mình rất nhiều ngón nghề “độc” mang thương hiệu bản thân, vừa phát huy sở trường, vừa là để thỏa niềm đam mê, rèn luyện tay nghề và kiếm thêm thu nhập.
Nhặt “banh nỉ” cho Tây
Nhặt “banh nỉ” cho Tây là công việc mà nhiều bạn sinh viên chọn làm hiện nay. Trong mấy năm trở lại đây, tennis đang được phát triển mạnh, số lượng người chơi tăng lên (chủ yếu là giới doanh nhân và văn phòng), số lượng sân xây mới cũng nhiều, khiến cho nhu cầu về người nhặt bóng ở các sân tennis cũng từ đó mà tăng lên. Những sân này tập trung chủ yếu ở Thảo Điền (quận 2, TP.HCM), D3 (quận Bình Thạnh), quận Phú Nhuận…
Công việc này không tốn nhiều sức nhưng đòi hỏi sự lanh lẹ và tập trung - (Ảnh: Internet)
Huy (sinh viên năm 3, ĐH GTVT TP.HCM), hơn một năm trước đã tham gia nhặt bóng ở các sân tennis cho người nước ngoài tại khu vực sân Thảo Điền và Phú Nhuận (thuộc quận 2). Công việc này đã mang lại cho cậu nhiều lợi ích thiết thực về cả phương diện kinh tế lẫn học tập.
Mỗi ngày làm một ca khoảng một tiếng đồng hồ, mỗi tuần được ba ca, tiền công 20.000 đồng/ca. Công việc cũng không có gì mệt lắm, chủ yếu chạy đi chạy lại nhặt bóng cho người chơi. Chia sẻ về công việc thú vị này, cậu háo hức: “Công việc này rất thú vị và mới lạ, giống như một hoạt động thể dục bình thường thôi, vừa làm mình có thể vừa xem người ta đánh, qua đó biết được luật thi đấu, nhất là còn được giao tiếp với 'Tây' giúp cho mình có cơ hội rèn luyện được tiếng Anh nữa”.
Công việc tuy đơn giản nhưng luôn đòi hỏi sự tập trung và nghiêm túc. Người phương Tây rất chuyên nghiệp, khi chơi thể thao cũng vậy. Do vậy, làm ở môi trường này còn giúp cho các bạn rèn luyện được phong cách chuyên nghiệp khi làm bất cứ một công việc gì.
Cũng có những kỉ niệm vui, những tình huống hài hước xảy đến trong quá trình nhặt bóng của các bạn, có nhiều lúc bóng bay trúng người đau điếng, những lúc người nước ngoài hỏi mà không biết đường nào mà lần, nhờ cái này lại làm cái nọ...
Đá bóng thuê ở các sân cỏ nhân tạo
Những ai đã từng đá hoặc biết về đá bóng sân cỏ nhân tạo đều hiểu về “nghề” này. Đó là việc một số cầu thủ là sinh viên đá bóng giỏi được các đội khác hoặc chủ sân thuê vào đội mình để đá độ với đội khác, đổi lại cầu thủ này sẽ được trả một khoản tiền nhất định. Đây là một ngón nghề lạ và độc đáo của sinh viên, nghề này giống như các cầu thủ chuyên nghiệp kí hợp đồng thi đấu cho các đội bóng để nhận được tiền nhưng khác ở chỗ hợp đồng với các cầu thủ sinh viên là những hợp đồng “ngắn hạn”, có khi chỉ trong một trận đấu, rồi đường ai nấy đi.
Đá thuê ở các sân cỏ nhân tạo đang được nhiều bạn sinh viên coi là nghề có thu nhập - (Ảnh: Internet)
Lượng sân đá bóng nhân tạo tăng chóng mặt là một điều kiện thuận lợi để “nghề” này nảy sinh và phát triển. Bóng đá sân cỏ nhân tạo càng phát triển thì việc thuê cầu thủ cũng phát triển và trở nên đa dạng hơn.
Hoài Nam (sinh viên năm thứ 3, ĐH KHXH&NV TP.HCM) là một ví dụ điển hình. Vốn nổi tiếng với khả năng đá bóng rất giỏi, cậu luôn là cầu thủ “đắt sô” nhất, nhiều lúc trong một ngày cậu đá đến 3 trận cho ba đội bóng hoàn toàn khác nhau. Những trận bóng giữa các khoa trong trường thuê đá cũng có, các đội bóng ngoài trường thuê đá cũng có, rồi các doanh nghiệp, các hội bạn bè tổ chức thuê đá cũng có.
Trung bình một trận, tùy theo số tiền cá độ trong trận đó, dù kết thúc như thế nào cậu cũng được trả từ 100- 150 ngàn “tiền công”, có nhiều trận tiền cá độ cao, số tiền cậu nhận được có khi lên đến 300- 400 ngàn, nếu đội thắng tiền thưởng còn cao hơn nữa.
Quang Qúy (sinh viên năm 2, ĐH GTVT TP.HCM) tỏ ra không hề kém cạnh. Không sở hữu một khả năng đá bóng giỏi như Hoài Nam, nhưng cậu lại đắt sô hơn và tỏ ra coi việc đá bóng là một ngón nghề thật sự.
Nhà trọ ở gần hệ thống sân cỏ nhân tạo thuộc Trung tâm TDTT quận Bình Thạnh, nên ngày ngày với cậu, sân cỏ nhân tạo là nhà, bất kể khi nào người ta cũng thấy cậu có mặt ở đó. Khi nào các đội bóng rủ nhau đá rồi chung độ, dù đội nào thuê cậu cũng sẵn sàng góp mặt. Đá xong, nhận tiền và cậu lại bắt đầu tìm một “bến đỗ” mới. Có những trận đấu diễn ra lúc nửa đêm, hết đá cho đội này lại chuyển qua đá cho đội khác. Cuối tháng, với công việc đá bóng thuê, cậu cũng kiếm được chừng hơn 2 triệu, tùy thuộc vào số lượng trận đấu được người ta thuê đá.
Đá bóng rồi có tiền là mặt tốt, thế nhưng mặt trái của nó thì chỉ có những người trong cuộc mới biết. Đó là những chấn thương, những hiềm khích, những vụ ẩu đả, thói nhậu nhẹt…
Đá bóng thường không thể tránh được chuyện chấn thương, những pha bóng quyết liệt. Hoài Nam tâm sự: “Đá bình thường thì không nói, nhưng khi có cá cược thì tính chất lại khác, trận đấu diễn ra quyết liệt hơn, tranh chấp nguy hiểm hơn, việc chấn thương xảy ra như cơm bữa. Mình đã có lần bị bong gân, chân sưng vù, đau nhức, phải ngồi một chỗ mất hơn 2 tuần do một pha vào bóng ác ý của đối phương”.
Còn với Quang Quý, lần đánh nhau giữa hai đội trong một trận đấu có cậu tham gia khiến cậu không thể không sợ hãi: “Lần đó đội bạn đang thua đội mình 2- 0 khi thời gian trận đấu không còn nhiều nữa, quá hoảng hốt nên đội bạn đã to tiếng rồi xảy ra đánh nhau. Mình đang loay hoay chưa biết làm gì thì bất ngờ ăn một chai bia vào đầu, tỉnh lại thì thấy mình ở bệnh viện. Chuyện đó khiến mình khiếp cho đến giờ”.
Biểu diễn ảo thuật đường phố
Thỉnh thoảng đi trên phố bạn bắt gặp hình ảnh một người với bộ bài tây, mấy đồng xu, vài quả bóng, trổ tài những động tác đầy bí hiểm, vui nhộn, hóm hỉnh, xung quanh là tiếng hò reo cổ vũ của đám đông. Đó chính là ảo thuật đường phố.
Biểu diễn ảo thuật đường phố (Street Magic) là trào lưu mới du nhập vào nước ta khoảng hai năm trở lại đây, nhưng đã được đông đảo các bạn trẻ đón nhận. Đây là một sâm chơi mới, được xem là “đặc sản” của giới trẻ. Các bạn trẻ đến với nó chủ yếu là với niềm đam mê, giải trí, tuy nhiên bên cạnh đó có nhiều bạn trẻ, nhất là các bạn sinh viên ngoài việc thể hiện niềm đam mê, còn xem nó như là một công cụ mưu sinh đầy thú vị.
Những con bài, những mẩu giấy, cùng vài quả bóng, họ mang lại cho người xem thật nhiều cảm xúc -(Ảnh: Internet)
Nguyễn Hưng (sinh viên năm thứ 3, ĐH Mỹ Thuật) đã là cái tên quen thuộc đối với các bạn sinh viên, cùng với những người yêu thích ảo thuật tại TP.HCM. Sinh năm 1990, nhưng hơn 4 năm hành nghề đã cho cậu quá nhiều những trải nghiệm về ảo thuật đường phố.
Vốn là một tay ngang khi tình cờ biết đến ảo thuật rồi mê từ hồi nào không biết, Hưng đã quyết tâm theo học và may mắn tìm được một ảo thuật gia khá nổi tiếng, nhờ đó cậu đã tiến bộ rất nhiều về tay nghề.
Hưng tâm sự: “Cái quan trọng nhất khi bạn muốn theo nghề này là phải có niềm đam mê và lòng kiên nhẫn, nếu không có được điều đó, tôi khuyên bạn nên tìm nghề khác”.
Hưng biểu diễn không kể thời gian ngày hay tối, hễ có cơ hội là cậu tham gia. Các tụ điểm giải trí và nơi công cộng, từ công viên, vườn hoa, vỉa hè, nhà hàng, lớp học… đều có thể trở thành sân khấu biểu diễn. Với những công cụ hành nghề rất đơn giản như vài quả bóng, một bộ bài Tây, mấy đồng xu, hay thậm chí là một tờ giấy vụn… cậu đã khiến cho khán giả bị hút hồn tới mức không thể rời mắt, trải qua từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, rồi liên tiếp những tràng cười sảng khoái, những lời khen vang lên không ngớt.
Biểu diễn ảo thuật đường phố đòi hỏi bạn phải có khả năng và bản lĩnh. Thu nhập từ nghề này còn tùy vào khả năng của mỗi người. Hưng chia sẻ: “Biểu diễn ảo thuật trước hết là cách để mình sống với đam mê, chia sẻ đam mê với mọi người, sau đó là cũng có thêm cho mình một khoản thu nhập không nhiểu để mình tiếp tục nuôi dưỡng và phát triển, có thể ảo thuật sẽ là hướng đi của mình trong tương lai”.