Sau cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và thảm họa sóng thần Nhật Bản, các nhà đầu tư có thể tìm lại niềm tin nhờ cái chết của trùm khủng bố Osama bin Laden. Song giới chuyên gia vẫn thận trọng khi nhìn nhận sự kiện này. |
Nhiều chuyên gia lo ngại cái chết của bin Laden khiến các xung đột trên thế giới thêm căng thẳng. Ảnh: AFP |
Ông Thomas J.Lee – nhà chiến lược trưởng về cổ phiếu
tại JPMorgan Chase ở New York nhận định cái chết của bin Laden có thể
thu hút thêm nhiều cá nhân tham gia vào thị trường cổ phiếu trong vài
tháng tới.
Thận trọng hơn, ông Jim O’Neill – Chủ tịch Goldman
Sachs Asset Management cho rằng dù việc này có thể dấy lên mối lo ngại
về các cuộc tử vì đạo của lực lượng khủng bố, nhưng nó cũng sẽ khuyến
khích người dân bán hàng hóa để mua cổ phiếu.
Ông O’Neill nói thêm: “Đây là một tín hiệu tích cực
cho lãnh đạo Mỹ nói chung, và ông Obama nói riêng. Dĩ nhiên, đây chỉ là
phản ứng nhất thời, thị trường cũng sẽ rất thận trọng vì bin Laden có lẽ
đã không còn là mối đe dọa về an ninh trực tiếp lớn nhất trong nhiều
năm qua rồi, và những người coi ông ta là một kẻ tử vì đạo có lẽ sẽ
không vì thế mà bỏ cuộc ”.
Cái chết của bin Laden đã chấm dứt chiến dịch săn tìm
kéo dài 10 năm của Mỹ sau cuộc khủng bố tại nước này ngày 11/9/2001.
Trong khi một vài nhà chiến lược đổ lỗi đây là nguyên nhân khiến thị
trường chứng khoán Mỹ đi xuống những ngày qua, thì ông Lee lại cho rằng
các nhà đầu tư sẽ thu được lợi nhuận khi khi niềm tin vào nước Mỹ và
Tổng thống Obama tăng lên.
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình
Bloomberg ngày 3/5, ông Lee đã nói rằng phản ứng của thị trường “căn bản là sôi
động”, ông nói: “Đó là tín hiệu tích cực vì cho đến giờ người ta vẫn
tránh mua cổ phiếu do lo ngại rủi ro cao và an ninh toàn cầu bất ổn. Vì
thế, sự việc này căn bản sẽ làm tăng lượng tiền đổ vào cổ phiếu”.
Theo dữ liệu của viện nghiên cứu về đầu tư có trụ sở
tại Washington, trong vòng 2 năm tính đến ngày 31/3, các nhà đầu tư đã
góp tổng cộng 598,6 tỷ USD cho các quỹ tương hỗ để mua trái phiếu, trong
khi số tiền dành cho cổ phiếu chỉ là 30,6 tỷ USD. Các dữ liệu của
Bloomberg cho thấy chỉ số S&P 500 đã tăng 110% khi tính cả các khoản cổ tức trong vòng 26 tháng qua.
76% các công ty trong nhóm S&P 500 vượt qua mức dự
đoán lợi nhuận quý một trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang tiếp tục
phục hồi. GDP Mỹ đã tăng 1,8% trong quý I, có lẽ sẽ tăng 3,2% trong quý
II này. Và theo các dự đoán của các nhà kinh tế tại Bloomberg nó sẽ tăng
tốc trong suốt cả năm.
Các dữ liệu của Bloomberg cho thấy chỉ số S&P 500
đã tăng liên tục 8 tháng, đà tăng dài nhất kể từ năm 1995. Đà tăng bắt
đầu khi các thành viên đảng Dân chủ của ông Obama trong Nghị viện đấu
tranh để tìm được tiếng nói chung với đảng Cộng hòa về việc làm thế nào
để cắt giảm thâm hụt ngân sách. Nợ công của Mỹ đã tăng hơn gấp đôi kể từ
năm 2001 và lên mức kỷ lục là 14,3 nghìn tỷ USD – một phần do các chi
phí quân sự tại Afghanistan và Iraq.
Tuy nhiên, nhà đầu tư tỷ phú Kenneth Fisher nói rằng:
“Tôi sẽ rất ngạc nhiên cái chết của bin Laden có tác động lớn. AL-Qaeda
sẽ vẫn ở đó và chẳng bao giờ yêu mến chúng ta được. Vì vậy, việc này sẽ
chẳng giải quyết được vấn đề gì cả. Nó không thể thay đổi được lợi
nhuận, không làm biến chuyển nền kinh tế và cũng chẳng giúp chúng ta
thoát khỏi mối lo ngại về khủng bố”.
Bà Kathleen Brooks – Giám đốc nghiên cứu tại tập đoàn
Gain Capital cũng thận trọng cho rằng đà giảm giá đồng USD là không thể
kìm lại được. Theo bà Brooks, những người lạc quan phấn khích vì cái
chết của bin Laden cũng không thể giúp đồng USD hồi phục. Hơn nữa, Cục
Dự trữ liên bang Mỹ chưa thể nâng lãi suất để giúp đồng đôla được giá
hơn.
“FED vẫn còn thống trị các vấn đề tài chính và họ đang
cân nhắc, điều này chứng tỏ đang có rất nhiều rủi ro, tạo áp lực lên
đồng USD”.
Theo ông Thomas Caldwell – CEO của công ty chứng khoán
Caldwell tại Toronto, cái chết của bin Laden có nghĩa là các tài sản
tài chính sẽ gắn chặt hơn với các dữ liệu kinh tế. Ông nói: "Việc giết
bin Laden chỉ ra rằng nước Mỹ có thể đụng tay đến những kẻ khủng bố.
Điều này sẽ không thay đổi bản chất của cuộc xung đột. Đây là tín hiệu
tích cực, là cú huých mạnh, nhưng tôi nghĩ thị trường sẽ đi tìm bằng
chứng từ nhiều yếu tố kinh tế khác hơn là chỉ trông vào mỗi sự kiện
này".