Vậy là 4 trận siêu kinh điển vừa trôi qua, nếu không kể trận 240 hớ hênh tại Camp Nou, đáng lẽ tôi đã được thưởng thức 4 trận siêu kinh điển đẹp như mơ trong vòng 18 ngày. Phải nói rằng vài chục năm qua, tình yêu bóng đá của tôi được tiếp sức nhờ rất nhiều vào những trận siêu kinh điển này.
Từ những năm đầu thập niên 90, vì nhà gần Đại Sứ Quán Liên xô, qua đài Nga (phát từ phố Trần phú), tôi đã được tiếp xúc với những trận siêu kinh điển của bóng đá thế giới Real – Barca (xem trực tiếp, chiếu lại, hoặc trích đoạn).
Thời đó tình yêu bóng đá của tôi luôn thay đổi từ Real sang Barca và ngược lại. Những năm 89-94, Barca là đội bóng tôi yêu thích nhất, với thần tượng là Micheal Laudrup, cầu thủ số 9 có lẽ là hay nhất thế giới mọi thời đại về kỹ thuật chọc khe. Anh có thể chọc khe ở mọi cự ly, mọi đường bóng (sệt hay bổng), anh còn nổi tiếng với kỹ thuật rê bóng đặc biệt: miết (hoặc gạt) bóng từ chân trái sang chân phải làm đối phương luôn trong tình trạng bị rướn hết cỡ mà bất lực và bị qua người. Anh đã đóng góp vào phần lớn các bàn thắng của Stoichkov thời đó. Đến thời điểm Romario đến, Laudrup không còn được sử dụng nữa, anh đã sang Real năm 95 và tôi lại chuyển sang cổ vũ Real. Anh đã tạo nên 1 lỷ lục không cầu thủ nào có, đó là có mặt trong 2 trận siêu kinh điển có tỷ số 5-0 và đều là người thắng trận với tư cách là cầu thủ của cả 2 đội.
Vào những năm cuối thập niên 90, vì thích đôi chân ma thuật của Figo ở cánh phải, tôi lại cổ vũ cho Barca và trớ trêu thay, khi anh chuyển sang Real với sự mời gọi Perez, tôi lại sang cổ vũ Real.
Rồi khi Messi xuất hiện, với những bàn thắng, những pha kiến tạo và những pha đi bóng thần sầu, có lẽ tôi sẽ không có lý do gì để yêu thích 1 đội bóng khác ngoài Barca.
Nhưng trên hết, những trận siêu kinh điển đem lại sức hút kỳ lạ với tôi, từ cái không khí ở Bernabeu hay Camp Nou, từ màn xếp hình hoành tráng của màu xanh đỏ hay trắng, đến những trận cầu cởi mở, đậm chất kỹ thuật đã đưa trận đấu này thành 1 bữa tiệc khác biệt so với tất cả các trận đấu còn lại trên thế giới. Đã hơn 20 năm, từ những Sergi, Bakero, Amor, Laudrup, Stoichkov, Hagi, Prosinecki, Zubizareta, Romario, Kluivert, Rivaldo, Ronaldo, Cocu, Overnar, Figo, Enrique, Ronaldinho của Barca cho đến những Camacho, Hierro, Michel, Carlos, Raul, Suker, Mijatovic, Helguera, Amavisca, Redondo, Zidane, Figo của Real đã làm nên những trận cầu giầu tính cống hiến bậc nhất. Không có từ nào khác ngoài 2 từ “đôi công” cho trận Siêu kinh điển này, ở đó không có những toan tính mang nhãn hiệu Mou, không có những chiếc máy chém mang tên Pepe hay Lass, mà chỉ vinh danh những nghệ sĩ đích thực của 2 đội, là Laudrup, Romario, Rivaldo, Ronaldinho, Raul, Mijatovic, Suker, Redondo, Ronaldo, Figo, Zidane v.v, khi 2 đôi vào trận đem theo cả sự tự hào, bề dày lịch sử và thương hiệu của Barca và Real để rồi cháy hết mình cho 2 trận đấu được chờ đợi nhất trong năm.
Vậy mà giờ đây, khi có đến 4 trận Siêu kinh điển, tôi vẫn cảm thấy thiếu những gì đã qua trong quá khứ. Sự toan tính và chiến thuật khắc nghiệt Mourinho đem đến từ Ý đã phá nát toàn bộ những gì 2 đội đã xây đắp trong lịch sử hơn 100 năm qua. Không còn nữa những pha ăn miếng trả miếng, không còn những trận cầu đôi công sòng phẳng, thay vào đó là sự dè chừng đến lạnh lùng, những pha phạm lỗi, tiểu xảo thường thấy tại Urugoay, khi khoảng cách chiên thắng và thất bại tạo nên chênh lệch về doanh thu quá lớn. Người Madrid đã sẵn sàng hy sinh mọi thứ để có được điều mình cần.
Không, người hâm mộ trên khắp thế giới, trong đó có tôi không cần những trận bóng kiểu đó, chúng tôi cần những trận đấu Siêu kinh điển của ngày xưa, giống như người dân làm quanh năm và mong chờ mấy ngày tết vậy. Có thể sự thực dụng đang giết chết bóng đá châu Âu, nhưng không thể để sự thực dụng giết chết Siêu kinh điển Real – Barca, vì ý nghĩa của nó còn cao hơn 1 trận đấu bóng 3 điểm, 30 triệu đô hay gì gì đó.
Thưa ngài Perez, hãy trả lại tôi trận Siêu kinh điển đích thực.